SẢN PHẨM QUẢNG CÁO
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Hotline - 0915.050.067

Văn phòng - 0915.050.067
Hôm nay: 292 | Tất cả: 3,148,552
TIN TỨC SỰ KIỆN
Giải chạy Doanh nhân VEC 2023 Nghệ An
Chạy quảng cáo marketing online hiệu quả Vinh Nghệ An
Chạy quảng cáo tiktok tại Vinh Nghệ An
Cho thuê mua bán nhà bạt rút sự kiện di động
Sửa chữa cửa nhôm kính cường lực tại TP Vinh Nghệ An
Tổ chức tiệc sinh nhật cho trẻ em bé trong nhà ngoài trời
Tổ chức sự kiện Team Building Bãi Biển Cửa Lò, Bãi Lữ Vinh Nghệ An Hà Tĩnh
FANPAGE FACEBOOK
 
SẢN PHẨM > THI CÔNG NỘI - NGOẠI THẤT
Thi công Trùng tu kiến trúc di tích lịch sử cổ tại TP Vinh Nghệ An
Tin đăng ngày: 13/7/2019 - Xem: 380
 
Thi công Trùng tu kiến trúc di tích lịch sử cổ tại TP Vinh Nghệ An
Giá bán: Liên hệ 0915.050.067
Chất liệu:
Bảo hành:
Tình trạng: Còn hàng
Lượt xem: 380 lần

 

Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ...

1 - Công tác tu bổ di tích lịch sử và văn hoá

Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất v.v... Công tác tu bổ di tích phải đáp ứng được các nhu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích; giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích; trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cũng như thử thách của thời gian.

Thi công Trùng tu kiến trúc di tích lịch sử cổ tại TP Vinh Nghệ An

1.1 - Cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa xây dựng mới và sửa chữa công trình với công tác tu bổ và bảo quản di tích

Về bản chất công tác tu bổ di tích là một quá trình sản xuất, sáng tạo, tuy không phải là bộ môn khoa học độc lập nhưng trong quá trình sản xuất nó vẫn cần có những tiền đề và cơ sở khoa học, ngược lại những thành tựu, những phát hiện mới trong quá trình tu bổ cũng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển khoa học. Mục tiêu bao trùm là phải xác định chính xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, khoa học... tìm biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích để phát huy giá trị, phục vụ những nhu cầu do xã hội đặt ra. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, kiến trúc sư hiện nay khi can thiệp vào một công trình sẵn có thì cần phải hiểu những ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư đã thiết kế ra công trình đó, cũng như các sự kiện lịch sử và văn hoá đã diễn ra tại di tích. Tính chất đặc thù đó buộc kiến trúc sư tu bổ phải tôn trọng ý tưởng kiến trúc, yếu tố nguyên gốc và giá trị văn hoá hàm chứa trong vỏ kiến trúc của công trình. Thứ nữa, công tác tu bổ còn đặt ra yêu cầu phải tước bỏ khỏi di tích phần bổ sung không chính đáng sau này làm ảnh hưởng sai lệch các mặt giá trị của di tích, nhằm tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận và hưởng thụ các mặt giá trị chân chính của văn hoá.

Trong xây dựng mới người ta chỉ tập trung mọi nỗ lực để vận dụng các thành tựu về kỹ thuật và vật liệu nhằm sáng tạo ra một công trình vừa đẹp, vừa bền vững và tiện ích nhất cho người sử dụng. Tức là thoả mãn các công năng kiến trúc, do đó khả năng sáng tạo và sử dụng vật liệu, kết cấu không gian không hạn chế đối với kiến trúc sư thiết kế. Hình dáng kiến trúc của công trình phụ thuộc hoàn toàn vào ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư.

Sửa chữa một công trình xây dựng hay một vật dụng chỉ đơn thuần là thấy chỗ nào hư hỏng thì sửa lại, gia cố, thay thế hoặc làm lại để phục vụ chủ yếu cho những công năng cụ thể.

Ngược lại bảo quản là sử dụng các biện pháp kỹ thuật giữ cho di tích ở nguyên trạng thái hiện có của nó mà không bị tiếp tục hư hỏng, bị thay đổi, biến dạng, không bị thêm bớt các bộ phận cấu thành. Còn tu bổ di tích bao hàm cả hai khái niệm sửa chữa và bảo quản nhưng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị khoa học thật nghiêm túc.

1.2 - Như chúng ta đã biết công tác tu bổ di tích chỉ đạt được hiệu quả cao khi các kiến trúc sư thiết kế và thi công tu bổ di tích tuân thủ các nguyên tắc khoa học

Thứ nhất: Có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ.

Thứ hai: Trước khi tiến hành tu bổ cần phải triển khai việc nghiên cứu liên ngành để có sự hiểu biết cặn kẽ di tích về các mặt: Giá trị, tình trạng bảo quản. Cũng như các hoàn cảnh lịch sử và đặc thù văn hoá ở địa phương nơi có di tích dự kiến được tu bổ.

Thứ ba: Các giải pháp tu bổ cần được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu ở các ngành khoa học có liên quan để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất.

Thứ tư: Chỉ tiến hành tu bổ, phục hồi di tích khi có cơ sở cứ liệu khoa học chính xác (tài liệu viết, bản vẽ đạc hoạ, ảnh chụp, bản dập v.v...) phần mới phục hồi phải phù hợp và tạo thành một khối thống nhất với phần nguyên gốc còn lại. Do đó trong thực tế chúng ta phải luôn cố gắng đến mức tối đa sử dụng vật liệu và công nghệ truyền thống vào việc tu bổ, phục hồi di tích. Đặc biệt là phần mới bổ sung trong quá trình tu bổ phải có “dấu hiệu” để phân biệt với bộ phận nguyên gốc của di tích.

Thứ năm: Theo đuổi mục tiêu cơ bản nhất là gia cố tăng cường độ bền vững của di tích, đảm bảo các điều kiện cần thiết để di tích có thể tồn tại lâu dài ở dạng nguyên gốc: Từ hình dáng, cơ cấu kiến trúc, màu sắc, đường nét trang trí mỹ thuật đến vật liệu xây dựng v.v...

Thứ sáu: Quá trình tu bổ di tích phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích.

1.3 - Thông thường chúng ta vẫn sử dụng các hình thức tu bổ di tích như

- Tu bổ quy mô lớn với mục tiêu phục hồi và tái tạo lại toàn bộ hay từng phần di tích đã bị mất đi, bị làm sai lệch hay biến đổi hình dáng. Trong đó phục hồi di tích đặt ra nhiệm vụ tước bỏ những lớp bổ sung sau này làm sai lệch hình dáng ban đầu, làm giảm các mặt giá trị của di tích (trừ trường hợp những lớp bổ sung sau này nếu có giá trị thẩm mỹ trở thành bộ phận hữu cơ của di tích thì cần được trân trọng). Còn tái tạo di tích có nghĩa là phục dựng lại những yếu tố, các bộ phận di tích đã bị mất, hoặc chỉ còn lại những chi tiết đơn lẻ. Ngoài ra có thể tái định vị các bộ phận di tích đã bị sụp đổ hoặc vùi lấp trong các phế tích kiến trúc.

- Tu bổ mang tính chất sửa chữa nhỏ, có nhiệm vụ bảo vệ và gia cường về mặt kỹ thuật để cho di tích luôn được giữ trong trạng thái bảo quản ổn định mà không làm thay đổi hình dáng lịch sử vốn có của nó, như: Bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ cho di tích, nhằm kiểm tra về mặt kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn hoặc loại trừ nguyên nhân gây hại cho di tích; sửa chữa nhỏ (mái dột, hệ thống máng nước, thoát nước, sơn cửa, quét vôi).

- Bảo quản cấp thiết: Khi phát hiện di tích đang ở trong tình trạng bảo quản không tốt, có khả năng đe doạ sự toàn vẹn và hoàn chỉnh của nó, hoặc có nguy cơ bị biến dạng, sụp đổ thì phải áp dụng ngay các biện pháp bảo quản cấp thiết. Đối với những di tích sau khi được công nhận nếu chưa có khả năng tu sửa lớn, chưa làm xong các khâu chuẩn bị khoa học cho công tác tu bổ, người ta cũng áp dụng biện pháp bảo quản cấp thiết hoặc di tích bị hư hỏng đột xuất do thiên tai gây ra. Nhưng phổ biến nhất là áp dụng biện pháp gia cố, tạo hệ thống khung chống đỡ các cấu kiện chịu tải trong di tích.

- Bảo quản phòng ngừa bằng biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoặc triệt tiêu các nguyên nhân gây hại cho di tích, có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để bảo quản từng phần di tích, bảo quản toàn bộ di tích, tạo lớp cách ly chống thấm nước, chống ẩm, phun thuốc phòng và diệt mối, mọt, ngâm tẩm xử lý hoá chất cho các cấu kiện cũ và mới trước khi lắp dựng lại.

Trong công tác bảo tồn di tích, bảo quản mang tính chất phòng ngừa là biện pháp thích hợp cần được ưu tiên nhưng cũng đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp.

- Cải tạo di tích để sử dụng vào các chức năng mới, là biện pháp chỉ được áp dụng với điều kiện không được làm tổn hại, giảm giá trị lịch sử và thẩm mỹ của di tích.

1.4 - Các khuynh hướng khác nhau trong việc áp dụng các hình thức tu bổ di tích cần phải căn cứ vào điều kiện lịch sử, khả năng kinh tế và đặc thù văn hoá của từng quốc gia mà vận dụng các hình thức tu bổ di tích phù hợp, đó là: Giữ di tích ở nguyên trạng thái cũ, hỏng bộ phận nào tu bổ phần đó, không thêm bớt, tu bổ di tích như nó vốn có, trước khi được tu bổ, nhằm đưa di tích trở lại trạng thái ban đầu như lúc mới khởi dựng với mục đích tạo ra sự toàn vẹn và hoàn chỉnh, cần chú ý tới khía cạnh thẩm mỹ gốc. Có trường hợp người ta có thể sử dụng vật liệu xây dựng mới, thậm chí vật liệu hiện đại vào việc tu bổ, như thay thế các cấu kiện chịu lực ở các kết cấu kín. Trường hợp khi không đủ cứ liệu khoa học, thì có thể vận dụng biện pháp so sánh, đối chiếu, tức là thông qua các di tích cùng loại hình hoặc dựa vào các bộ phận hiện còn mà tái taọ lại phần tương ứng đã bị mất. Nhiều trường hợp người ta áp dụng hỗn hợp cùng một lúc cả hai giải pháp nói trên. Hoặc là đối với các di tích có giá trị thẩm mỹ cao người ta ứng dụng nguyên tắc trung gian xử lý phần đã mất để tạo ra cảm giác hoàn chỉnh, nhưng vẫn thể hiện được nội dung, giá trị của di tích. Song, dù trong bất luận trường hợp nào thì phần trung gian cũng không được đối chọi và không làm ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận yếu tố nguyên gốc.

Cần nhấn mạnh một nguyên tắc là: Hình thức phục hồi, tái tạo di tích chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật đặc biệt, khi đã áp dụng những biện pháp kỹ thuật khác nhưng vẫn không có khả năng ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di tích.

2 - Tính nguyên gốc của di tích là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích

Tính nguyên gốc của di tích có ba thuộc tính quan trọng nhất, là: Khởi thuỷ sáng tạo đầu tiên, cần phải hiểu nguyên mẫu đối lập với sự sao chép; những căn cứ đáng tin cậy đối lập với sự phỏng đoán hoặc giả thiết; tính chân xác lịch sử đối lập với giả mạo, làm giả y như thật.

Tính nguyên gốc là tiêu chí cơ bản làm cho một đối tượng được công nhận là di tích đích thực, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Đồng thời trân trọng và giữ gìn tính nguyên gốc cũng là tiêu chí quan trọng cần tuân thủ khi tiến hành việc tu bổ di tích (cả động sản và bất động sản).

Tính nguyên gốc của di tích biểu hiện ở các mặt: Nguyên gốc về kiểu dáng, phong cách, nguyên gốc về vật liệu xây dựng, về kỹ thuật, độ tinh xảo trong chế tác hoặc thi công, về chức năng thực dụng, về địa điểm xây dựng. cũng như về cảnh quan môi trường... Tính nguyên gốc còn liên quan tới tính liên tục trong lịch sử hình thành và phát triển của di tích. Điều đó có nghĩa là trong di tích có sự đan xen các yếu tố nguyên gốc ở các giai đoạn phát triển khác nhau và tạo ra cho di tích sự hoàn chỉnh mang tính tổng thể. Cuối cùng tính nguyên gốc còn gắn với khoảnh khắc thời gian lúc di tích đạt tới đỉnh cao giá trị về mọi mặt. Tính nguyên gốc của di tích đặt ra yêu cầu cho kiến trúc sư thiết kế và thi công tu bổ phải có cảm giác xót xa và tiếc nuối trước cái đã mất và trước cái có nguy cơ sẽ bị mất đi, nếu họ không có sự can thiệp hợp lý và kịp thời. Trong công tác tu bổ di tích, tính nguyên gốc cần được vận dụng một cách linh hoạt mà không khô cứng, nghĩa là phải xử lý tuỳ thuộc vào: Các nguyên tắc khoa học, mục tiêu tu bổ cũng như cải tạo bổ sung công năng mới cho di tích, phục vụ nhu cầu xã hội cũng như nhu cầu và tình cảm của công chúng. Nhưng quan trọng hơn cả là không được để tính nguyên gốc trở thành vật cản trở sự cần thiết phải cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho con người.

Yêu cầu xác định chính xác các yếu tố nguyên gốc của di tích và áp dụng tất cả các phương tiện kỹ thuật và phương án tu bổ tối ưu để giữ gìn lâu dài các yếu tố nguyên gốc là nội dung cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa thiết kế và thi công tu bổ di tích với việc xây dựng một công trình mới.

3 - Trong công tác tu bổ di tích, khâu quan trọng nhất cần được triển khai ngay từ đầu là việc khảo sát, nghiên cứu xác định các mặt giá trị tiêu biểu và hiện trạng kỹ thuật của di tích. Bởi vì, đó là những cơ sở dữ liệu cho kiến trúc sư tu bổ quyết định mục tiêu, mức độ can thiệp và các phương án kỹ thuật tu bổ di tích. Xin được giới thiệu một dự án liên ngành đã được triển khai tại khu di tích tháp Chămpa - Mỹ Sơn làm cơ sở tham khảo.

Dự án ba bên giữa UNESCO, Chính phủ Italia và Chính phủ Việt Nam được lập ra chủ yếu nhằm đưa ra một kế hoạch tổng thể cùng với việc đề ra các biện pháp cần thiết cho việc bảo vệ, quản lý di tích, đồng thời tái hiện lại một cách chính xác các sự kiện lịch sử, đặc biệt để trả lời các câu hỏi và khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc bảo vệ các công trình kiến trúc.

Cùng nhau kiểm tra, nghiên cứu tình trạng hư hỏng của di tích cũng như xác định nguyên nhân (thiên tai, khí hậu, bàn tay con người...) đã làm cho di tích bị xuống cấp, hư hỏng. Dự án sau này không những nghiên cứu về mặt khảo cổ, mà còn cả về mặt bảo tồn, cả di tích lẫn môi trường cảnh quan bao quanh di tích.

3.1 - Khảo sát địa hình

Thiết lập một bản đồ địa hình khu vực (tỷ lệ 1:1000, tổng diện tích bề mặt bản đồ là 20ha). Vẽ sơ đồ diện tích các công trình di tích ở bên trong khu vực có các nhóm tháp, trung bình có khoảng 4 - 6 điểm trên mỗi công trình, được khảo sát theo tỷ lệ 1:250 và được đánh dấu bằng các cột bê tông (có ghi trong bản đồ chính).

3.2 - Thăm dò địa vật lý

Sử dụng các thiết bị thăm dò địa vật lý thích hợp cho những khu khảo cổ học rộng lớn, phát hiện các thông tin quan trọng về các công trình đang bị chôn vùi mà không làm ảnh hưởng tới khu khảo cổ dễ bị tổn thương này.

3.3 - Khảo sát địa chất học và thuỷ văn học

Khảo sát sơ bộ để phân biệt thực trạng mô hình địa chất khác biệt ở Mỹ Sơn, liên quan đến cả khu vực đồi và đồng bằng, thung lũng. Nhằm thu thập dữ liệu về môi trường tự nhiên sơ khai đến sự can thiệp của con người ở đó qua nhiều thế kỷ.

Khảo sát chi tiết dòng suối Khe Thẻ, từ điểm bắt đầu tới điểm kết thúc thuộc khu vực khảo cổ học. Đã nắm bắt được lượng mưa tối đa từ năm 1961 đến năm 1999 qua trạm thuỷ văn Tam Kỳ và trạm khí tượng của thành phố Đà Nẵng.

3.4 - Khảo sát kiến trúc

Khảo sát sơ bộ tất cả các công trình kiến trúc hiện còn, kết hợp với việc phân tích từng công trình để xác định độ vững chắc của chúng, phân tích sự ảnh hưởng qua lại giữa đất và các công trình kiến trúc để đánh giá độ lún của nền móng. Tập hợp một số mẫu chất kết dích các viên gạch và mẫu gạch để gửi đi phân tích tại phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng thuộc trường Đại học Tổng hợp Milano (Ý).

3.5 - Khảo sát khảo cổ học

Tiến hành nghiên cứu khảo cổ học với các mục tiêu: Xác định diện tích khu vực người Chăm đã sử dụng, Mỹ Sơn là khu vực dành cho tôn giáo hay cho các hoạt động độc lập khác, trước khi người Chămpa đến đây khu vực này được sử dụng như thế nào?

3.6 - Nghiên cứu và phân loại các hiện vật

Tiến hành khảo sát các bức tượng và các hoa văn trên các hiện vật trưng bày trong khu tháp, và trên tất cả các hiện vật nằm rải rác ở xung quanh khu di tích khảo cổ học để nghiên cứu đề xuất hệ thống phân loại mới.

3.7 - Sưu tập tài liệu qua các bức ảnh

Tiến hành chụp ảnh trên diện rộng tất cả các công trình kiến trúc trong khu di tích Mỹ Sơn, khu trung tâm lịch sử Hội An.

Qua những nội dung trình bày ở trên ta thấy để có đầy đủ cơ sở khoa học xác định giá trị và hiện trạng kỹ thuật của di tích cũng như đề xuất được những phương án tu bổ tối ưu, thì công tác nghiên cứu khảo sát phục vụ thiết kế và thi công di tích cần được đi trước một bước và cần được triển khai một cách tỷ mỷ, chi tiết, thận trọng và có những yêu cầu cao hơn so với khảo sát thiết kế xây dựng công trình mới. Nhưng trong thực tế chúng ta chưa chú ý đúng mức và đầu tư thoả đáng cho công tác khảo sát phục vụ thiết kế tu bổ di tích. Và, do đó công tác nghiên cứu, khảo sát cần được tách ra như một công đoạn độc lập trong các bước chuẩn bị đầu tư tu bổ di tích.

4 - Vấn đề quản lý và thực thi các dự án đầu tư tu bổ và phát huy di tích

Công tác quản lý nhà nước đối với quá trình xây dựng và thực thi các dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích có những yêu cầu cơ bản như: Nội dung các dự án phải phù hợp với các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, phục vụ lợi ích cộng đồng và các nhu cầu do xã hội đề ra; phải xây dựng dự án theo đúng những định hướng cơ bản đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy di tích. Ngoài ra dự án phải đề xuất những cơ chế thích hợp nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế.

4.1 - Các dự án đầu tư được chia thành ba nhóm chính

- Nhóm A là các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn đòi hỏi phải có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

- Nhóm B do cơ quan chủ quản đầu tư phê duyệt sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

- Nhóm C do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt với tư cách là cơ quan chủ quản đầu tư.

Trong thực tế, để tránh các thủ tục thẩm định, phê duyệt phức tạp..., các địa phương thường chỉ hạn chế các “Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích” vào khuôn khổ của nhóm C với tổng dự toán đầu tư thấp để thuận tiện trong quá trình phê duyệt. Nhưng, đối với di tích có giá trị đặc biệt quan trọng với quy mô lớn và những đặc thù của hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, mà nguồn vốn đầu tư quá thấp, sẽ hạn chế việc xây dựng và thực thi cho một dự án hoàn chỉnh. Đại bộ phận các trường hợp cụ thể số vốn đầu tư theo nhóm C chỉ đủ tu bổ, chống xuống cấp cho các hạng mục chính trong di tích. Vốn đầu tư cho việc tôn tạo xây dựng hạ tầng cơ sở, môi trường, cảnh quan sân vườn, cấp thoát nước, đường giao thông từ các điểm giao thông tới di tích, đường nội di tích, điện chiếu sáng v.v... và một số dịch vụ khác hầu như không được tính tới. Do đó chúng ta sẽ không bao giờ có một sản phẩm văn hoá hoàn chỉnh, một sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn. Cũng vì thế chúng ta không có khả năng thực hiện định hướng cơ bản là đưa di tích hoà nhập vào đời sống cộng đồng, thực hiện phương châm xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích.

Thiết nghĩ rằng, khi xây dựng dự án đầu tư, cần xem xét toàn diện với cách nhìn tổng thể mang tính liên ngành mà không phụ thuộc vào thủ tục và việc phân loại nhóm dự án.

4.2 - Muốn thực hiện tốt việc quản lý nhà nước trong việc xây dựng và thực thi các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo và phát huy di tích, trước hết phải xây dựng tổ chức có đủ năng lực quản lý dự án. Quan trọng hơn là yếu tố nguồn lực con người được đào tạo chuyên sâu, có khả năng hoạt động độc lập và chuyên nghiệp.

Ở nước ta hiện nay ba yếu tố cơ bản quyết định chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với các dự án, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích đều chưa ổn định và còn bộc lộ các nhược điểm:

Thứ nhất, chưa có cơ chế phân cấp triệt để và cụ thể giữa cơ quan quản lý nhà nước và ủy ban nhân dân các cấp. Hội đồng thẩm định dự án đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được xác định, gồm các thành viên là những chuyên gia có uy tín trong ngành và các cơ quan hữu quan, nhưng hoạt động vẫn chưa thật hiệu quả.

Thứ hai, cơ quan quản lý dự án ở các cơ sở chưa đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ được giao, nhiều khi còn bị chi phối bởi các cơ quan liên quan (bên B). Hiện tại các Sở Văn hoá - Thông tin đều có Ban quản lý dự án chung thực thi và quản lý các dự án có nguồn vốn xây dựng cơ bản. Thường thì giám đốc sở kiêm nhiệm hoặc một phó giám đốc được uỷ nhiệm. Kế toán trưởng của sở kiêm nhiệm kế toán của ban quản lý. Như vậy, vô tình các giám đốc bảo tàng, ban quản lý di tích ở địa phương là những người có hiểu biết chuyên môn đều đứng ngoài. Họ chỉ có mặt trong buổi nghiệm thu về mặt hình thức mà thôi.

Thứ ba, chúng ta còn thiếu hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh và đồng bộ về tu bổ di tích làm cơ sở cho việc xây dựng và quản lý việc thực thi các dự án. Hiện nay Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ mới ban hành được Quy chế tu bổ, tôn tạo di tích và định mức dự toán tu bổ di tích. Tu bổ di tích là hoạt động có tính chất đặc thù chuyên ngành chắc chắn cần có quy chế riêng khác với quy chế quản lý xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng mới.

5 - Theo chúng tôi, lược đồ quản lý dự án bảo tồn, tu bổ di tích gồm các bước

- Xây dựng dự án là bước khởi đầu quan trọng, cần được giao cho các cơ quan chuyên môn có uy tín làm tư vấn và các chủ dự án có kinh nghiệm thực tế lâu năm. Cho nên việc chỉ định thầu cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích cần được áp dụng rộng rãi (trừ các hạng mục hạ tầng cơ sở kỹ thuật)

- Khảo sát thực địa nhằm: Thu thập các tư liệu và thông số cơ bản; xác định giá trị và hiện trạng di tích có ý nghĩa quan trọng để thiết kế và thi công tu bổ di tích. Do đó trong nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư rất cần có phần kinh phí độc lập cho việc nghiên cứu, khảo sát thực địa tại di tích mà không bị lệ thuộc vào kinh phí xây dựng dự án và thiết kế kỹ thuật.

5.1 - Lập thiết kế sơ bộ và các phương án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích

- Căn cứ vào hiện trạng di tích, tư liệu lịch sử, lời kể của nhân chứng, xây dựng bản vẽ tu bổ, phục hồi trung thực các yếu tố nguyên gốc ban đầu.

- Căn cứ vào nguyên tắc bảo tồn và quy chế tu bổ di tích mà đưa ra các phương án tu bổ, tôn tạo thích hợp.

- Sau khi bản thiết kế sơ bộ và các phương án tu bổ được phê duyệt, chúng ta mới bắt tay vào việc thiết kế kỹ thuật chi tiết và tổng dự toán kinh phí đầu tư.

Nhiều trường hợp địa phương làm gộp cả thiết kế sơ bộ, phương án tu bổ với giai đoạn thiết kế kỹ thuật chi tiết. Do đó sẽ gặp trở ngại trong việc thẩm định. Bởi vì chỉ cần một trong các phương án tu bổ không được chấp nhận, lập tức thiết kế kỹ thuật chi tiết sẽ phải thay đổi hoàn toàn, lúc đó buộc phải làm lại từ đầu.

5.2 - Thẩm định dự án của cấp có thẩm quyền cũng có vai trì rất lớn trong việc quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư. Bởi vì nếu thẩm định không chính xác sẽ dẫn đến sai sót trong thi công, gây biến dạng di tích.

Trong thực tế, các dự án gửi về Bộ Văn hoá - Thông tin rất chậm nên việc xem xét các bản thiết kế và dự toán chưa kỹ càng. Cán bộ địa phương từ xa về Hà Nội, ở lại lâu, sẽ gây phiền hà tốn kém thời gian và tiền bạc. Ngược lại nếu châm chước xét duyệt cho kịp thời gian thì việc thẩm định sẽ không đạt chất lượng cao. Đặc biệt là cơ quan thẩm định không có điều kiện cử cán bộ đến xem xét đối chiếu thiết kế tại thực địa trước khi phê duyệt, phần lớn các trường hợp chỉ xem xét và thẩm định trên cơ sở dự án và các bản thiết kế kỹ thuật, cho nên mức độ chính xác chưa cao. Do đó trong quá trình thi công tu bổ thường xuyên xuất hiện những phát sinh, buộc phải xem xét điều chỉnh thiết kế, dự toán tu bổ.

5.3 - Về các giai đoạn thực thi dự án tại hiện trường, trong thực tế các ban quản lý dự án chưa coi trọng việc giám sát thi công và nghiệm thu từng phần trong quá trình tu bổ di tích.

- Việc gia công tu bổ các chi tiết kiến trúc và gia công tu bổ bộ phận chịu lực... Giai đoạn thứ hai này cần phải kiểm soát chặt chẽ và nghiệm thu nghiêm túc, bởi vì sau giai đoạn này người ta sẽ thực thi phần che phủ, nhiều bộ phận kết cấu sẽ bị lấp kín không nhìn thấy được. Nếu sau khi phần che phủ đã hoàn thiện, mà Hội đồng nghiệm thu mới đề ra những yêu cầu sửa đổi ... dẫn đến phải tháo dỡ công trình, sẽ gây tốn kém lãng phí vật liệu và tiền bạc.

- Gia công tu bổ phần che phủ gồm, phần mái, tường bao và phần nền.

Đây cũng là giai đoạn hoàn thiện dự án chuẩn bị cho việc tổng nghiệm thu.

5.4 - Nghiệm thu và quyết toán dự án. Trong giai đoạn này, đơn vị thi công (bên B) phải trình ra tài liệu: Nhật ký thi công, hồ sơ hoàn công và quyết toán kinh phí.

Tham gia nghiệm thu dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích cần có các thành phần như: Đại diện Bộ Văn hoá - Thông tin; Ban quản lý dự án; Sở Văn hoá - Thông tin; Bảo tàng hoặc Ban quản lý di tích; Phòng Văn hoá thông tin huyện, ủy ban nhân dân xã hoặc phường và đại diện cộng đồng cư dân địa phương.

Nhưng trong thực tế việc thanh quyết toán làm rất chậm và diễn ra theo hai hướng:

Thứ nhất, hầu hết các dự án đều có phát sinh vượt dự toán, đôi khi vượt quá giới hạn cho phép, cho nên rất khó quyết toán dứt điểm.

Thứ hai, Bên A do các điều kiện khách quan không có khả năng thanh toán ngay cho bên B. Thường bên B bị nợ hoặc bị chiếm dụng vốn khá lâu. Điều này cũng gây ra những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát cũng như quản lý nguồn vốn cấp phát cho các dự án.

Quá trình xây dựng và triển khai một dự án tu bổ di tích thực chất là mặt hoạt động mang tính khoa học và kỹ thuật rất cao. Nhưng trong thực tế các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan tư vấn và thi công tu bổ ít khi chú ý tới việc tổng kết, báo cáo khoa học kết quả tu bổ các di tích.

Trong quá trình thi công tu bổ di tích nhiều khi chúng ta phải hạ giải từng phần, có khi tháo dỡ toàn bộ kết cấu kiến trúc gỗ của di tích. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để tiếp cận và nghiên cứu đặc trưng kiến trúc. Nhiều phát hiện mới về giá trị kiến trúc, quá trình biến đổi ở di tích và hiện trạng kỹ thuật buộc chúng ta phải thay đổi thiết kế ban đầu, thậm chí còn phải đưa ra các giải pháp tu bổ mới cho phù hợp với tình hình thực tế tại công trường.

Tất cả diễn biến trong quá trình thi công tu bổ di tích nếu được ghi chép tỷ mỷ, tổng kết có hệ thống và in ấn thành các tập sách công bố rộng rãi sẽ là dịp tuyên truyền sâu rộng về di tích, đồng thời cung cấp tư liệu khoa học, thực sự bổ ích cho việc tu bổ trong tương lai.

Tóm lại, công tác quản lý việc xây dựng và thi công các dự án tu bổ, tôn tạo di tích là mặt hoạt động có tính chất chuyên ngành có nhiều đặc điểm khác biệt so với việc quản lý các dự án xây dựng các công trình mới. Do đó tất yếu phải có cơ chế quản lý mang tính chuyên biệt trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật di sản văn hoá và Luật Xây dựng./.

<< Thi công nội - ngoại thất >>
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

CÔNG TY CỔ PHẦN VINHHOME
VP chính: Số 47, Ngô Gia Tự - TP.Vinh

Điện Thoại: 02386.286.542 - 0915.050.067
Email: truyenthongcongnghe@gmail.com
http://quangcaothanhphovinh.com
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0915.050.067