Phật Giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm và ghi đậm dấu ấn rất sâu sắc trong văn hóa Việt Nam. Bởi đạo Phật lấy tư tưởng từ bi, vô ngã và vị tha làm kim chỉ nam trong cuộc sống: “thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách,…” rất phù hợp với tình cảm, lối sống, suy nghĩ của người Việt. Chính vì thế mà Phật giáo đã được đông đảo người Việt đón nhận và thực hiện trong đời sống xã hội ngày một sâu rộng.
Bên cạnh những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật cũng phải kể đến các công trình điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc trong đạo Phật như: Tượng Phật, tranh vẽ phật giáo, phù điêu phật giáo,v..v… Đây đều là những sản phẩm tôn giáo, thể hiện tín ngưỡng và giáo lý tôn giáo, góp phần truyền tải ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của Phật pháp.
Tượng Phật là gì?
Tượng Phật là một tác phẩm nghệ thuật tâm linh trong Phật Giáo, được các nghệ nhân chế tác thông qua các hình thức và kỹ thuật điêu khắc khác nhau như: Đắp vẽ, tạc, đục đẽo,v..v…
1. Chất liệu làm tượng Phật
Để cho ra đời được một bức tượng Phật đẹp thì cũng phải kể đến các trường phái nghệ thuật khác nhau, thông thường người ta sẽ phân chia trường phái theo vật liệu chế tác như:
- Gỗ (thường là gỗ mít, lim, kiền kiền, xá xị,…)
- Xi măng–vữa
- Đá tự nhiên (đá cẩm thạch, đá trắng, đá đen, đá vàng,…)
- Gốm, đất sét, đất nung,v..v…
- Thạch cao
- Composite
- Kim loại hoặc hợp kim: vàng, bạc, đồng, …
2. Quy tắc và kỹ thuật chế tác
Quy tắc tạo hình tượng Phật được tiến hành theo hai lối, hoặc dựa vào cuốn Tạc tượng lượng độ kinh, được biên soạn bằng chữ Hán lưu hành trong Phật giáo và các phường thợ, hoặc làm theo lối dân gian hoàn toàn cảm nhận và học mẫu mã từ các chùa nổi tiếng.
Các quy tắc tạc tượng trong cuốn sách trên được tóm tắt thành vài công thức đơn giản cho các thợ điêu tô (thợ điêu khắc-điêu là khoét đục xuống, tô là đắp phủ lên) thực hiện. Đó là:
Tọa tứ lập thất – tỷ lệ chiều cao một tượng đứng bằng bảy đầu, ngồi bằng bốn đầu; Nhất diện phân lưỡng kiên – chiều ngang của mặt bằng nửa chiều ngang hai vai; Nhất diện phân tam trùng – ba khoảng cách bằng nhau trên mặt, từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. Và ngoài ra còn quy định chi tiết đến tận ngón chân ngón tay, các thế tay bắt quyết….
Ví dụ:
– Tượng Phật bằng gỗ đòi hỏi nghệ nhân phải là người am tường về chất liệu này. Từ việc chọn lựa gỗ, định hình kích thước tượng Phật. Sau đó là áp dụng các kỹ thuật chế tác như: đục đẽo, bào, vát,…trên gỗ để có thể chế tác được một bức tượng Phật đẹp.
– Còn với người thợ làm Tượng Phật bằng xi măng thì hoàn toàn khác, vì chất liệu để đúc hoàn toàn là nhân tạo. Công đoạn đầu tiên là các nghệ nhân sẽ tạo khuôn sắt cho bức tượng muốn đắp. Ở công đoạn tạo khuôn này chỉ cần dùng sắt và dây kẽm nối lại với nhau để tạo ra hình thù bức tượng.
Sau đó sẽ đổ bê tông vào phần móng, rồi từ đó chế tác nửa phần trên của tượng, tiếp theo cốt tượng được xây dựng tiếp bằng cách dùng máy hàn cho dính mối lại với nhau. Phần thép với lưới phủ hết bức tượng trước khi đắp.
Công đoạn tiếp theo, các thợ sẽ trát xi măng ở phần ngoài để có kết cấu chắc chắn và cứ như thế sẽ tạo ra được bức tượng xi măng y như trong bản vẽ ban đầu.
Tiếp theo là tinh chỉnh lại các chi tiết nhỏ sao cho giống với tạo hình trên bản thiết kế. Người thợ lúc này sẽ dùng xi măng đắp từng miếng nhỏ, vừa đắp vừa gọt đẽo tạo hình cho tượng. Công đoạn này cực kỳ quan trọng, quyết định đến cái đẹp và sự hài hòa của bức tượng.
Và còn nhiều chất liệu để làm nên tượng Phật nữa, ví dụ như Tượng Phật làm từ Gốm, từ đất nung, kim loại đồng, v..v…
Mỗi một loại chất liệu để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi các kỹ thuật tạo hình, điêu khắc cũng hoàn toàn khác nhau, thể hiện thần thái của Đức Phật.
Tượng với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Và chung lại, ở trường phái nghệ thuật tạo hình nào thì cùng đòi hỏi trí óc, tay nghề cao, sự tỉ mỉ và kiên trì của những người thợ chuyên nghiệp.
Tượng Phật xuất hiện đầu tiên khi nào?
Theo tài liệu Phật Giáo ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT có ghi: “Khi Phật còn tại thế, vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di, là người đầu tiên đã dùng gỗ thơm Chiên đàn đỏ, tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nguyên nhân mà Đức vua Ưu Đà Diên tạo hình Đức Phật là: “Sau thời gian gần 49 năm thuyết pháp độ sanh, trong một mùa an cư 90 ngày (có lẽ là mùa an cư cuối cùng), Đức Phật vắng bóng ở trần gian, Ngài lên cung trời Đao Lợi nói kinh, giáo hóa chư Thiên và độ thân mẫu là Ma Gia phu nhơn được chứng thánh quả, thì vua Ưu Đà Diên không tìm thấy Đức Phật nơi đâu, lòng khát ngưỡng nhớ mong cực độ, đến nỗi vua này bi cảm âu sầu nhiều ngày, xao lãng cả việc triều chính và không màng đến thú vui vương giả. Vua không biết cách nào gặp Đức Phật cho đỡ nhớ mong, bèn nghĩ đến cách tạo tượng Phật.
Vua triệu tập các tay thợ điêu khắc nổi tiếng trong nước để tạo tượng Phật, nhưng ai cũng từ chối không dám nhận lời, vì họ nghĩ rằng: Sắc thân của Phật tướng tốt tuyệt vời, e rằng tượng Phật tạo ra nếu có sai lầm, sẽ làm cho họ đắc tội và lui mất thanh danh. Khi đó có vị thần Tỳ Thủ Yết Ma, tương truyền là vị thần điêu khắc, đã biến thân ra làm người thợ mộc, ông mang dụng cụ đến nhận trách nhiệm tạo hình tượng Phật để giúp nhà vua. Thần Tỳ Thủ Yết Ma trổ hết tài năng, chỉ trong một gnày là xong tượng Phật, cao bảy thước mộc, tượng màu vàng tía, đủ các tướng tốt, khiến người nhìn đến biết là tượng Phật.
Vua Ưu Đà Diên tạo tượng Phật xong, tiếng vang lan truyền các nước lân cận, vua các nước lớn như vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế và vua Nghiêm Xí, đều đem lễ vật đến cúng dường chiêm ngưỡng và đều khen việc làm của vua Ưu Đà Diên.”
Ý nghĩa tượng Phật trong tâm linh
Cũng theo Kinh ĐẠI THỪA CÔNG ĐỨC TẠO TƯỢNG PHẬT: “Bất cứ ai dùng những vật liệu như: tơ sợi thêu thùa tượng Phật hoặc dùng chì, kẽm, vàng, bạc hay các loại gỗ thơm chiên đàn… tô đắp tạc tượng, khiến mọi người chiêm ngưỡng lễ bái, thì đều được phước báo vô lượng vô biên. Người đó sẽ được hình tướng đoan trang và sẽ tiêu trừ được những tội cực trọng”.
Người tạo nên tượng Phật hoặc người góp tịnh tài hỷ cúng vào công việc tạo tượng này, thì cả hai đều được phước đức rất lớn lao. Vì người Phật tử góp phần vào việc duy trì Tam Bảo để làm lợi lạc cho nhân sinh. Nhờ đó, mà Phật pháp mãi được lưu truyền rộng rãi và cũng nhờ đó mà mọi người mới nghĩ nhớ đến ân đức cao sâu rộng rãi bao la của đức Phật. Có tưởng niệm như thế, người Phật tử mới thiết tha nỗ lực hành trì và quyết lòng noi theo tấm gương hạnh nguyện từ bi vị tha cao cả của đức Phật mà gắng công tu hành để chóng được giác ngộ giải thoát.
Tóm lại, nhờ vua Ưu Đà Diên mà hôm nay, chúng ta mới có được những tượng Phật để tôn thờ. Dù điêu khắc hay tô đắp tạc tạo với bất cứ hình thức vật liệu nào, tất cả cũng nhằm một mục đích chung là mang lại một sắc thái thẩm mỹ để phát khởi tín tâm của những người hâm mộ sùng bái ở nơi đức Phật. Thế nên, các nhà điêu khắc tạo tượng cũng phải có một năng lực chuyên môn và một cảm quan sâu sắc, mới có thể thực hiện hoàn mỹ công việc này. (Theo Sư thầy Thích Phước Thái)
Tượng phật xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam Theo các tài liệu lịch sử thì Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, tuy số lượng hiếm hoi và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057.
Lần theo sử sách, nhiều tài liệu ghi về việc đúc những pho tượng bằng đồng vào thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật khổng lồ do Minh Không đúc trên núi chùa Quỳnh Lâm – một trong những Thiên Nam tứ đại khí. Thế nhưng thật đáng tiếc, ngày nay không còn pho tượng bằng đồng và gỗ nào của thời Lý còn tồn tại.
Tượng Phật thời Lý còn sót lại rất hiếm, tượng Phật thời Trần dường như không còn. Sau thời Lý, những tượng Phật bằng đá và điêu khắc đá nói chung tự nhiên thô phác hẳn. Điển hình là ba pho tượng Tam Thế chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh) được cho là từ thế kỷ 15 và những pho tượng chầu lăng mộ Lam Kinh (Thanh Hóa).
Những bức tượng Phật đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam
1. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng, tượng Phật Di Lặc bằng đồng, tượng Phật Quan Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam ở chùa Bái Đính – Ninh Bình. (Nguồn: Yan.vn)
2. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam (Nguồn Yan.vn)
3. Tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam (Nguồn: Yan.vn)
4. Tượng Phật Di Lặc bằng xi măng trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam (Nguồn: Yan.vn)
5. Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi dài nhất Việt Nam (Nguồn: Yan.vn)
Và còn rất rất nhiều những bức tượng Phật đẹp khác nữa trong nền tín ngưỡng Phật Giáo ở Việt Nam không thể kể xiết. Qua bài viết này, Phù điêu Gia Đạt hy vọng đã cung cấp được nhiều điều bổ ích cho quý vị – những người mong muốn tìm hiểu về lịch sử của nghề điêu khắc, đắp vẽ tượng Phật.
Quý vị có nhu cầu đúc tượng Phật xi măng hoặc đắp vẽ phù điêu Phật giáo,.. tại khu vực Đà Nẵng và miền trung. Xin vui lòng liên hệ Hotline: 0903 510 668 . Xin hoan hỉ kính chào! |